Khớp, sụn khớp & xương dưới sụn

1. Cấu tạo khớp

Khớp là nơi nối giữa hai đầu xương. Cấu tạo của một khớp cơ bản bao gồm:

– Sụn khớp: là lớp mô bao lấy đầu xương để ngăn các xương tiếp xúc trực tiếp với nhau, giúp khớp vận động dễ dàng.

– Xương dưới sụn: Là phần xương ngay dưới sụn, liên quan chặt chẽ với sụn khớp trong quá trình phát triển và thoái hóa.

Cau Tao Khop

– Dịch khớp: là dịch trong – có độ nhớt cao, có tác dụng bôi trơn, cung cấp các dưỡng chất cho các cấu trúc bên trong khớp.

– Dây chằng: có tác dụng như những dải băng co giãn gắn kết các xương với nhau trong khi cơ thể chuyển động, giúp khớp được vững chắc.

– Cơ bắp: co duỗi để làm khớp chuyển động.

– Gân: nối xương với cơ để chuyển sức co của cơ vào xương.

– Bao khớp (lót bởi màng hoạt dịch): là lớp màng bao bọc quanh khớp, giữ các xương lại với nhau.

2. Sụn khớp

Sụn khớp là lớp mô trong suốt, vừa cứng, vừa bền dai nhưng lại đàn hồi tốt, được cấu tạo từ hai thành phần chính là tế bào sụn và chất căn bản:

Bệnh xương khớp

– Tế bào sụn: chiếm dưới 10% trọng lượng mô sụn, chịu trách nhiệm sản xuất một lượng lớn chất căn bản.

– Chất căn bản: có các thành phần như Collagen, Proteoglycan (chủ yếu là Aggrecan) giúp sụn có khả năng chịu được sức nặng và áp lực.

Sụn đóng vai trò như lớp đệm bảo vệ, giúp giảm chấn động và tránh sự cọ xát giữa hai đầu xương khi khớp cử động.

Tuy quan trọng như vậy, sụn lại không chứa mạch máu hay dây thần kinh nên không được máu nuôi trực tiếp, chỉ tiếp nhận dinh dưỡng thẩm thấu nhờ tổ chức xương dưới sụn, màng hoạt dịch, dịch khớp. Do vậy, sụn rất dễ bị thoái hóa âm thầm theo thời gian mà không có dấu hiệu nào.

3. Xương dưới sụn

Bệnh xương khớp

– Vị trí: Xương dưới sụn nằm ngay bên dưới sụn khớp, có cấu trúc chịu lực thích hợp với các lực tác động vào khớp.

– Vai trò: Xương dưới sụn đóng vai trò quan trọng hỗ trợ sụn khớp trong việc chống sốc, giảm áp lực để khớp vận động bình thường và cung cấp một phần dinh dưỡng, thúc đẩy sự chuyển hóa nơi sụn khớp.

Quá trình lão hóa tự nhiên và các tác động cơ học (vận động hàng ngày) làm thay đổi các đường viền và hình dạng của xương dưới sụn. Trong quá trình thoái hóa, xương dưới sụn bị tổn thương, có những phản ứng bất thường tạo các vùng xương rỗng, vùng xương dày – xơ xen kẽ, đôi khi tạo thành gai xương.